Diễn biến Vụ mâu thuẫn ở tu viện Bát Nhã

Theo báo chí nước ngoài

Tháng 6 năm 2008, thượng tọa Thích Đức Nghi đổi ý, không bảo lãnh các nhà sư có quốc tịch nước ngoài và không muốn tu viện Bát Nhã tu tập theo pháp môn Làng Mai nữa. Thượng tọa muốn tăng thân tu học theo pháp môn Làng Mai phải rời Bát Nhã.[1]

Ngày 08 tháng 08 năm 2008, công an địa phương ra công văn trục xuất 397 tu sinh khỏi tu viện vì họ không còn có sự bảo lãnh cư trú của tu viện.[7] Nhóm tăng ni sinh phái Làng Mai tiếp tục gửi thư kiến nghị đi các nơi.[8]

Ngày 19 tháng 11 năm 2008, một cuộc họp ở thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban tôn giáo chính phủ đưa ra quyết định ủy quyền cho ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng giải quyết. Giáo hội Phật giáo ở Lâm Đồng nói họ tạm thời bảo lãnh cho các vị tăng ni sinh này ở lại cho đến khi có giải pháp sau cùng.[8]

Ngày 27 tháng 6 năm 2009, viện chủ Thích Đức Nghi đã cho cắt điện và nước sinh hoạt.[4][8] Hai ngày sau, một đám người ném đá và phân súc vật vào đại diện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đến điều tra vụ việc.[4]

Đầu tháng 7, đám đông đã đến tấn công khu tu viện với búa, đập vỡ cửa sổ, làm hư hại tòa nhà và hăm dọa những người trong đó. Công an và dân quân địa phương có mặt tại hiện trường để quan sát nhưng không can thiệp với lý do đây là vấn đề nội bộ của tu viện[8]

Theo tin của hãng AP ngày 1 tháng 8, chính quyền nói rằng vụ việc là do sự đối đầu của hai nhóm nhà sư trong tu viện, và theo lời những người ủng hộ Thích Nhất Hạnh, vài người của Thích Đức Nghi và dân địa phương thỉnh thoảng đã quấy nhiễu họ trong suốt năm qua. Cũng theo hãng tin này, chính quyền địa phương nói rằng viện chủ Thích Đức Nghi đã yêu cầu cắt điện và rằng điện đã có lại từ giữa tháng 7, nhưng theo một nhà sư ở tu viện, đến ngày 1 tháng 8 vẫn chưa có điện lại.[4]

Ngày 20 tháng 9 năm 2009, một số thanh niên đến phá nhà cửa, ném đá, rải truyền đơn, vứt quần áo của các ni cô xuống suối.[9]

Ngày 27 tháng 9 năm 2009, một nhóm đông người đến đập phá và đuổi những người trong tu viện ra ngoài. Những người bị đuổi phải đứng dưới mưa trong vài giờ.[10]

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, Thích Nhất Hạnh gửi một lá thư cho chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết kêu gọi che chở cho tăng thân sau vụ Bát Nhã. Vì không có hồi âm, ngày 2 tháng 10 năm 2009, ông lại gửi một lá thư cho nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước kêu gọi họ "kịp thời lên tiếng để che chở cho 400 người trẻ đang bị bao vây và đàn áp tại chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc."[3][11]

Hoàng Hưng, một nhà báo ở thành phố Hồ Chí Minh đã khởi xướng thỉnh nguyện thư yêu cầu những nhà lãnh đạo của Việt Nam cho điều tra độc lập và cho truyền thông đưa tin về vụ mâu thuẫn.[11] Theo ông Hưng, hơn 200 người đã ký vào thỉnh nguyện thư yêu cầu chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội Việt Nam phải can thiệp vụ Bát Nhã.[11] Trong những người ký tên có nguyên phó chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh Lê Hiếu Đằng.[12]

Theo báo chí trong nước

Ngày 8 tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định không có việc Việt Nam 'ép' 400 người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã.[13] Bà cũng khẳng định chính quyền địa phương đã giữ an ninh không để xảy ra xô xát, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của công dân, rằng chính quyền địa phương cũng đã vận động phật tử Bát Nhã không xúc phạm đến các tu sinh theo pháp môn Làng Mai.[13] Bà khẳng định vụ mâu thuẫn là sự đối đầu không bạo lực của hai giáo phái,[11] và nhấn mạnh: "Những thông tin nói 'đã xảy ra đụng độ giữa các "sư thầy", "sư cô" tại tu viện Bát Nhã và chính quyền, làm một số người bị thương và nhiều người bị bắt...' là hoàn toàn sai sự thật"[13]

Cung cấp thông tin cho các phóng viên trong nước và quốc tế tại buổi họp báo, chiều 11-1, tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Sau khi từ tu viện Bát Nhã về ở tạm tại chùa Phước Huệ (Lâm Đồng), đến ngày 30-12-2009, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai đã tự giác rời khỏi chùa Phước Huệ, về nơi cư trú.

Theo thông tin của Ban Tôn giáo Chính phủ, trước tháng 6-2008, những người Việt Nam tu theo pháp môn Làng Mai được Thượng tọa Thích Đức Nghi, Trụ trì tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bảo lãnh tu tập tại cơ sở tôn giáo này theo những khóa tu ngắn ngày. Trong quá trình đó, Làng Mai đã can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam bằng cách tự ý bổ nhiệm Phó Trụ trì tu viện Bát Nhã; tấn phong giáo phẩm cho 1 vị từ hàm Thượng tọa lên Hòa thượng mà không qua ý kiến GHPG Việt Nam và Trụ trì tu viện. Đây cũng là việc làm trái với Hiến chương của GHPG Việt Nam và pháp luật Việt Nam.

Do bức xúc bởi việc này, ngày 1-9-2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có đơn gửi GHPG Việt Nam đề nghị thôi bảo lãnh cho nhóm người trên. Giáo hội đã chấp thuận và truyền đạt ý kiến yêu cầu số tu sinh này thôi không tập trung tại Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi sinh sống để tu học.

Tuy nhiên, nhóm tu sinh trên đã không thực hiện vì vậy dẫn đến việc xô xát ngày 27-6-2009 giữa số người tu theo pháp môn Làng Mai và các tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã. Đến ngày 28-9-2009, toàn bộ số người tu theo pháp môn Làng Mai mới rời khỏi Bát Nhã đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (Bảo Lộc, Lâm Đồng), một số người khác trở về địa phương. Và đến ngày 30-12-2009, số người còn lại này đã tự rời khỏi chùa Phước Huệ, về nơi cư trú. Hiện tại chính quyền địa phương chưa nắm được tất cả số lượng cũng như nơi đến cụ thể của những người này sau khi rời khỏi chùa Phước Huệ.

Cung cấp thông tin cho phóng viên về nguyên nhân dẫn đến vụ việc va chạm giữa số người tu theo pháp môn Làng Mai và các tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã, ông Nguyễn Thanh Xuân nói: Chính sự khác biệt về lối tu của Làng Mai với cách tu tập của tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã theo lối truyền thống của Phật giáo Việt Nam đã dẫn đến những xung đột về văn hóa, châm ngòi cho những vụ va chạm trên.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Xuân, sau khi sự việc trên xảy ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài đã chủ động thông tin với Làng Mai trước 1 tháng trong chuyến công tác tại Pháp cuối tháng 9 đầu tháng 10-2009; đề nghị được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh với mục đích trao đổi, hợp tác giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ chối với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vấn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã.[14]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ mâu thuẫn ở tu viện Bát Nhã http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/04/1... http://abcnews.go.com/International/WireStory?id=8... http://abcnews.go.com/International/wireStory?id=8... http://www.rfi.fr/actuvi/articles/116/article_4480... http://lien-hoa.net/ltlm%2031%20final%20phan%201.p... http://hosted.ap.org/dynamic/stories/A/AS_VIETNAM_... http://www.phuongboi.org/index.php/trung-tam-tu-hc... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/09... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/09... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/09/09...